Văn hóa Người_Tà_Ôi

Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ kể các chủ đề phong phú: nguồn gốc tộc người, nguồn gốc dòng họ, cuộc đấu tranh giữa kẻ giàu với người nghào, giữa cái thiện với cái ác, tình yêu chung thủy v.v... Dân ca có các điệu Ka-lơi, Ba-boih, Rơin và đặc biệt là điệu Lum Tang Wai (Tiếng Lào: ລຳຕັ່ງຫວາຍ, Tiếng Thái: ลำตั่งหวาย,đọc là lăm tăng vải)trữ tình. Chiêng, cồng, đàn, sáo, kèn, trống, khèn là những loại nhạc cụ thường gặp ở vùng của người Tà Ôi.

Nhà cửa

Nhà ở của người Tà Ôi là nhà sàn dài phổ biến tại nhiều vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Nhìn bề ngoài, nhà Tà Ôi kể cả nhà sàn và nhà đất đều có nó hình mai rùa và đều có "sừng" trang trí hình hai đầu chim cu tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc.

Tổ chức mặt bằng sinh hoạt của nhà ở thống nhất trong toàn dân tộc. Trung tâm của ngôi nhà là căn mong: nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung của mọi thành viên trong nhà. Diện tích còn lại được ngăn thành từng buồng (bài hát của a): chỗ ở và sinh hoạt của các gia đình. Thông thường thì các buồng được bố trí thành hai hàng theo chiều dọc. Ở giữa là hành lang dành để đi lại. Đến nay ở những nhà đất người ta vẫn duy trì bố cục bên trong nhà như vậy.

Trang phục

Cá tính tộc người không rõ nét, nổi bật mà có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa khác trên trang phục. Đồ trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm, xương là phổ biến. Tục cà răng, căng tai, xăm mình, để tóc lá bài trước trán đã phai nhạt đi.

  • Trang phục nam: Nam giới đóng khố, mặc áo hoặc ở trần.
  • Trang phục nữ: Phụ nữ có áo, váy, có nơi dùng loại váy dài kéo lên che ngực thay áo.

Nhà dài

Sau năm 1975 nhà nước Việt Nam có chủ trương xóa bỏ nhà dài, tách thành những hộ riêng biệt vì vậy cho tới nay nhà dài ở vùng người Tà Ôi không còn nữa. Vào năm 1973 khi chuyển cư về Việt Nam làng A Hươr có 3 ngôi nhà dài. Theo lời kể của những người trong làng: trước đây mỗi họ ở một ngôi nhà dài, những họ đông có tới trên 20 hộ sinh sống trong một nhà dài. Mỗi hộ có tới 5-6 người có bếp lửa riêng.

Gian khách được bố trí ở giữa nhà dài, gọi là moong. Hai đầu hồi của nhà đều có cầu thang chính bắc lên nhà. Cầu thang chính thường được dùng để đón khách. Ở mỗi hộ có các cầu thang phụ nhỏ bắc vào sườn nhà đi vào từng hộ. Mỗi hộ có một bếp (apoh) riêng. Tại gian khách cũng bố trí một bếp lửa. Trước đây khi nhà dài có khách đến thăm thì 4 hộ ở xung quanh gian khách là những hộ tiếp khách đầu tiên, sau đó mới đến các hộ tiếp theo lần lượt mang thức ăn đến phòng khách mời khách ăn uống. Đây còn là nơi để cho khách ngủ đêm lại. Những hộ ở gần gian khách có nhiệm vụ thông báo cho các hộ khác để tiếp khách. Khách đến được mời hút thuốc, uống rượu, được mời ăn mía, chuối, lạc, được mang chiếu và gối để ở. Khách ăn cơm có các hộ xung quanh nhà lần lượt mang cơm đến, khách ngủ dậy được mang bầu nước để rửa mặt, sau đó được mời ăn sáng.

Tại những cột nhà dài người ta treo sừng trâu, sừng bò sau mỗi lần gia đình nào đó tổ chức hiến tế. Trước đây người Tà Ôi tại làng có quy định rằng nếu trường hợp một đôi vợ chồng đến thăm làng và nghỉ đêm ở lại chỉ có người chồng được nghỉ ở gian khách còn người vợ sẽ đựợc gửi đến một hộ nào đó để nghỉ. Gian khách của ngôi nhà dài còn là nơi diễn ra các hoạt động chung của làng. Trong phòng khách còn có cây cột to (âr rông mông), nơi để chum rượu lớn buộc vào đó cho chắc chắn.

Tất cả của cải như chum, trống, thanh la, v.v. đều để ở gian khách, không bao giờ xảy ra trường hợp mất hay cầm nhầm. Nếu có việc lớn như tổ chức lễ aja cũng đưa khách về ở gian khách. Gian khách cũng là chỗ thanh niên, ở chỗ đó có chăn chiếu riêng cho thanh niên. Tổ chức việc uống rượu vào dịp khánh thành nhà, cưới xin, mừng con rể, đàn ông vui chơi... đều diễn ra ở gian giữa, đàn bà nấu nướng ở các nơi.

Khi trong nhà có người chết người ta đưa người chết ra bằng lối cửa phụ, không đưa ra lối hành lang vì sợ xui xẻo, bệnh tật ảnh hưởng đến các hộ khác. Khi khách sẽ dọn dẹp đồ đạc trong từng hộ gia đình.

Ở giữa nhà dài là hành lang (ka nang) đi lại dọc theo ngôi nhà dẫn đến từng hộ gia đình. Đây là chỗ thông thoáng không để bất cứ đồ đạc gì trên khoảng không đó, kể cả việc ngồi trên hành lang cũng không được phép, ông già làng là người thường xuyên nhắc nhở công việc đó. Khi một hộ gia đình có con trai lớn lấy vợ mà chưa có điều kiện nối thêm nhà dài thì đôi vợ chồng đó vẫn ở chung với bố mẹ. Ở với cha mẹ chừng một năm khi đã có con cái thì tách khỏi bố mẹ và nối thêm chiều dài của ngôi nhà sau khi xin ý kiến của tập thể. Ví dụ ở ngôi nhà dài hộ A có con lấy vợ, sau đó đôi vợ chồng đó sinh con. Làng sẽ làm thêm một gian ở phía đầu hồi và xin cho hộ kế tiếp với hộ A chuyển dịch ra phía đầu hồi, cứ như thế đối với các hộ tiếp theo. Phụ nữ không được đi theo lối hành lang của ngôi nhà khi vào gian khách trừ khi mang thức ăn cho khách, và không được ăn tại nhà khách.

Ở giữa ngôi nhà dài người Tà Ôi thường làm một cái thang đi lên gian khách. Cầu thang này chỉ có đàn ông và khách mời mới được đi lại, phụ nữ không được phép sử dụng cầu thang này như lối lên.

Phụ nữ khi sinh nở được làm một cái lán nhỏ bằng cách đan một cái sạp bằng tấm liếp quây xung quanh để che chắn gió. Sau khi sinh khoảng một tuần đó cũng là nơi tắm giặt cho sạch sẽ.

Mặt bằng sinh hoạt ngôi nhà dài

Bếp của mỗi hộ sẽ được làm ở giữa nhà, phía trên có một giàn treo, chỗ ngủ của gia đình là sàn nhà. Khi ngủ người ta xoay chân về phía bếp lửa. Cho đến năm 1972 khi làng chuyển về Việt Nam định cư thì cách nằm ngủ của phần lớn người Tà Ôi vẫn như vậy. Củi dùng để nấu nướng hay sưởi ấm được người phụ nữ Tà Ôi kiếm, lượm mỗi khi đi nương rẫy hoặc đi rừng, một vài bó củi đun để xung quanh bếp, phần lớn số củi còn lại để dưới gầm sàn. Sàn nhà cao 1,50 m. Phía dưới sàn người ta quây các chuồng nhỏ để nuôi gia cầm. Kho thóc không được làm gần nhà dài mà được làm ở ngoài bìa rừng, người Tà Ôi sợ hỏa hoạn sẽ làm cho kho thóc cháy sẽ mất nguồn lương thực. Thóc ăn hàng ngày được để trên gác mái nhà dài. Đồ đạc quý hiếm được để trong các Krúh - một loại gùi đan hình trụ có nắp - được đặt gần vách nhà hoặc treo trên mái.

Nhà ở

Nhà ở theo theo lối truyền thống hiện nay rất hiếm, kiểu nhà truyền thống được người Tà Ôi gọi là doang.

Khi chọn được một mảnh đất ưng ý với các tiêu chí như sau: đất bằng phẳng, gần nguồn nước, gần chỗ ở người dân cùng làng, chủ nhà tiến hành việc xem các thần có cho phép mình ở chỗ đất đó hay không. Người ta chọn từ 6 đến 10 hạt gạo rồi đào trên mảnh đất đó một lỗ nhỏ, bỏ gạo vào lỗ đó và thắp hương. Khi hương cháy hết, chủ nhà lấy hạt gạo ra xem. Nếu các thần cho phép dựng nhà ở chỗ đó thì hạt gạo không bị gãy, bị hỏng, trường hợp không được phép hạt gạo sẽ thành bột, bị gãy, vụn.

Nhà người Tà Ôi được dựng ở phía chếch Mặt Trời, khi Mặt Trời lên cao ánh sáng chiếu thẳng vào hướng cửa nhà là không tốt. Trước đây nhà người Tà Ôi được làm trước tháng 6 để tránh mưa gió. Khi dựng cột nhà phải xem giờ, khoảng 4-5 giờ sáng, lúc Mặt Trời chưa mọc, chưa có chim hoặc hoẵng kêu, người Tà Ôi quan niệm thần nhà không thích nhiều tiếng động của chim thú sẽ gây ra rủi ro.

Ngày dựng cột chính, hương được thắp theo lối dân tộc, người ta dùng một cái giỏ có chân bỏ vào: 6 chén, thịt gà. Khi cúng già làng sẽ là người chủ tế, mọi người đứng ở xung quanh. Các trường hợp chuyển nhượng nhà sau khi mua cũng phải làm lễ cúng, ví dụ: nhà Kê Văn Tham mua của Hồ Viên Pả, khi chuyển về ở phải tổ chức lễ cúng, đồ cúng có: gà sống, tấm rèng, chén rượu.

Nhà được làm theo lối cổ truyền có chiều dài 5,40 m chiều rộng 4,20 m, tổng diện tích của nhà là 22,68 mét vuông. Trên một đơn vị diện tích mặt bằng đó bố trí các công năng của nhà như sau: Hai đầu hồi nhà phía đông và phía tây là phía cửa ra vào với cầu thang (kpong) đi lên, cửa chính có chiều cao 1m30 chiều rộng 70 cm. Phía tây có một bếp lửa hình vuông có chiều rộng 1m vuông làm chỗ nấu nướng, trên bếp có để một gác để ngô, sắn và các loại thức ăn. Đối diện với bếp lửa là chỗ nằm của ông chủ nhà có dải một chiếc chiếu làm nơi nằm ngủ. Nhà có 3 cửa sổ (a loang a be) có chiều cao dài 93 cm chiều rộng 66 cm. Nhà ở có 6 cột chính (non) các xà gắn kết với cột chính theo nguyên tắc ngòam, khi dựng nhà người Tà ôi cũng dựng những cột chính này đầu tiên. Sau đó là các xà dọc liên kết tạo thành khung nhà. Tiếp theo là các bộ kèo cột, các đòn tay (ploi). Mái nhà được lợp tranh, vách nhà (ner) được đan bằng lồ ô đập dập đan vào nhau. Nhà ông Quỳnh Vâng làm năm 1997 tại làng là ngôi nhà duy nhất tính đến thời điểm hiện nay được làm theo phương pháp cổ truyền.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Tà_Ôi http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=LA http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://congly.vn/phong-su/anh-hung-ho-duc-vai-va-5... http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/nguoi-nghe-sy-cua... http://danviet.vn/que-nha/nghe-nhan-gia-giu-dieu-h... http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=vie... http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=407&idmid... http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid... http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/...